Sự nghiệp quyền Anh Sugar Ray Robinson

Sự nghiệp ban đầu

Robinson ra mắt chuyên nghiệp vào ngày 4 tháng 10 năm 1940, giành chiến thắng ở hiệp hai trước Joe Echevarria. Trong năm 1940, Robinson đấu thêm năm trận nữa và đều giành chiến thắng, với bốn trận thắng nốc ao. Năm 1941, Robinson đánh bại vô địch thế giới Sammy Angott, nhà vô địch về sau Marty Servo và cựu vô địch Fritzie Zivic. Angott không muốn mạo hiểm mất danh hiệu hạng nhẹ nên trận đấu Robinson-Angott nằm ở hạng trên đó. Robinson đã đánh bại Zivic trước 20.551 khán giả tại Madison Square Garden — một trong những trận có lượng khán giả đến sân đông nhất khi ấy. Theo Joseph C. Nichols của tờ The New York Times, Robinson thắng năm hiệp trước khi Zivic quật lại bằng hàng loạt cú đấm vào đầu Robinson ở hiệp sáu và bảy. Robinson kiểm soát hai hiệp tiếp theo và thắng hiệp chín. Khi hiệp mười kết thúc, Robinson được tuyên bố chiến thắng trên cả ba phiếu ghi điểm.[17]

Tháng 1 năm 1942, Robinson hạ gục Zivic ở hiệp mười trận tái đấu. Đây chỉ là trận thua nốc ao thứ hai trong sự nghiệp hơn 150 trận của Zivic. Robinson đấm ngã Zivic ở hiệp chín và mười trước khi trọng tài dừng trận đấu. Zivic và người đứng chỉ đạo ở góc phản đối việc dừng trận đó; James P. Dawson của The New York Times viết "họ đang chỉ trích một hành động nhân đạo. Trận chiến đã là cuộc tàn sát, chỉ là nói tế nhị hơn thôi."[18] Robinson sau đó thắng bốn trận nốc ao liên tiếp, trước khi đánh bại Servo bằng phán quyết gây tranh cãi trong trận tái đấu tháng 5. Sau ba trận thắng nữa, vào tháng 10, lần đầu tiên Robinson gặp Jake LaMotta là đối thủ đáng gờm. Dù không đánh ngã được Jake nhưng Robinson vẫn được quyết định nhất trí là chiến thắng. Tuy chỉ nặng 145 lb (66 kg) so với LaMotta 157,5 lb nhưng Robinson có thể kiểm soát toàn bộ trận đấu và tung ra những cú đấm mạnh hơn.[19] Từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 14 tháng 12, Robinson thắng thêm bốn trận nữa, với hai trận trước Izzy Jannazzo. Với những màn trình diễn đó, Robinson được vinh danh "Võ sĩ của năm", thắng tổng cộng 14 trận và không thua trận nào.[20]

Robinson lập kỷ lục 40–0 trước khi lần đầu tiên để thua LaMotta trong trận đấu tái 10 hiệp. Sau khi bị Robinson kiểm soát thời gian đầu trận, LaMotta trở lại kiểm soát những hiệp sau. Với lợi thế cân nặng hơn đối thủ 16 lb (7,3 kg), LaMotta đấm Robinson bay khỏi võ đài ở hiệp tám, và được phán quyết giành chiến thắng. Trận đấu diễn ra tại Detroit là quê cũ của Robinson, và thu hút một lượng khán giả kỷ lục.[21] Chưa đầy ba tuần sau, Robinson giành chiến thắng trong trận đấu thứ ba với LaMotta. Robinson tiếp tục đánh bại thần tượng thời thơ ấu của mình là cựu vô địch Henry Armstrong. Trận đấu diễn ra vì lúc đó võ sĩ lão làng Armstrong đang cần tiền, còn Robinson về sau tuyên bố đã đả bại nhà cựu vô địch.[22]

Ngày 27 tháng 2 năm 1943, Robinson nhập ngũ Lục quân Hoa Kỳ bằng tên khai sinh Walker Smith.[23] 15 tháng binh nghiệp, Robinson cùng Joe Louis được lệnh lưu diễn và thi đấu trước các binh sĩ làm khán giả. Thời kỳ quân ngũ của Robinson nhiều lần gặp rắc rối do cãi lệnh cấp trên khi thấy tình trạng phân biệt đối xử, những binh lính gốc Phi không được phép vào xem thi đấu.[14][24] Cuối tháng 3 năm 1944, Robinson đóng quân tại Pháo đài Hamilton ở Brooklyn, chờ lên tàu đi châu Âu trong kế hoạch tổ chức thêm các trận đấu trình diễn. Nhưng ngày 29 tháng 3, Robinson biến mất khỏi doanh trại. Ngày 5 tháng 4, khi tỉnh dậy trong Bệnh viện Fort Jay trên Đảo Goveners, Robinson đã lỡ mất chuyến hành trình châu Âu và bị nghi ngờ đào ngũ. Robinson báo cáo rằng bị ngã cầu thang trong doanh trại ngày 29, nhưng bị mất trí nhớ nên không ghi nhớ được sự kiện nào sau đó đến ngày 5. Theo hồ sơ, ngày 1 tháng 4, một người lạ thấy Robinson trên đường phố và giúp đưa vào viện. Báo cáo khám nghiệm của bệnh viện chứng thực lời Robinson.[25] Quân đội cũng tiến hành kiểm tra và cho rằng Robinson bị bệnh sa sút trí tuệ.[26] Ngày 3 tháng 6 năm 1944, Robinson được giải ngũ danh dự, sau đó viết rằng báo chí đã bất công khi "gán" mình là "tên đào ngũ".[27] Robinson duy trì tình bạn thân thiết với Louis từ thời nghĩa vụ quân sự và cùng nhau kinh doanh sau chiến tranh. Họ định kinh doanh phân phối rượu ở Thành phố New York, nhưng bị từ chối cấp phép vì lý do chủng tộc.[28]

Ngoài việc thua trận tái đấu LaMotta, dấu ấn khác trong giai đoạn này là trận hòa đầu tiên của Robinson sau 10 hiệp trước José Basora năm 1945.[29]

Vô địch hạng bán trung

Đến năm 1946, Robinson lên đài 75 trận với thành tích 73–1–1 và đánh bại mọi đối thủ hàng đầu của hạng cân bán trung. Nhưng do không hợp tác với mafia đang kiểm soát bộ môn quyền Anh khi ấy nên Robinson bị từ chối cơ hội tranh đai vô địch hạng bán trung.[30] Ngày 20 tháng 12 năm 1946, cuối cùng Robinson được cơ hội giành đai trước Tommy Bell là người từng bị Robinson đánh bại một lần năm 1945. Cả hai chiến đấu giành lấy danh hiệu đang bị bỏ trống từ Servo, cũng là người đã hai lần thua Robinson trong những trận không chính thức. Chỉ mới tháng trước, Robinson phải đấu trận 10 hiệp với Artie Levine, và giờ đây bị Bell đánh ngã. Nhưng Robinson đã kéo dài "trận chiến" tới 15 hiệp và được phán quyết chiến thắng, giành được đai vô địch hạng bán trung thế giới (World Welterweight).[15]

Năm 1948, Robinson đấu 5 trận, nhưng chỉ có một trận là bảo vệ danh hiệu. Những võ sĩ bị đánh bại là nhà vô địch thế giới về sau Kid Gavilán trong trận đấu gần 10 hiệp gây tranh cãi. Robinson bị dính đòn nhiều lần trong trận đấu nhưng đã kiểm soát các hiệp cuối bằng một loạt cú thọc trước (jab) và móc trái.[31] Năm 1949, Robinson lên đài 16 lần, nhưng cũng chỉ một lần bảo vệ danh hiệu. Trong trận tái đấu tranh đai với Gavilán, Robinson lại một lần nữa giành chiến thắng bằng phán quyết. Hiệp một yếu thế nhưng Robinson kiểm soát được thế trận trong hiệp hai. Gavilán phải đợi thêm hai năm nữa để bắt đầu triều đại lịch sử vô địch hạng bán trung của mình. Võ sĩ duy nhất ngang bằng với Robinson năm đó là Henry Brimm thủ hòa trận 10 hiệp tại Buffalo.[32]

Robinson so găng 19 trận năm 1950, lần cuối cùng bảo vệ thành công chức vô địch bán trung trước Charley Fusari. Robinson được phán quyết thắng sau 15 hiệp đấu, một lần đấm ngã Fusari. Robinson quyên góp tất cả tiền kiếm được trong trận đấu trừ 1 đô la trong ví cho nghiên cứu ung thư.[33] Năm 1950, Robinson đấu với George Costner, người cũng tự xưng "Sugar" và tuyên bố chỉ có mình xứng đáng nhận cái tên này. "Tốt hơn là chúng ta chạm găng vì chỉ có một hiệp mà thôi" Robinson nói lúc xướng danh võ sĩ trên võ đài "Tên ngươi chẳng phải Sugar, đó là tên ta."[34] Robinson liền hạ gục Costner trong vòng 2 phút 49 giây.[35]

Sự cố Jimmy Doyle

Tháng 6 năm 1947, sau bốn trận không chính thức, Robinson lên kế hoạch bảo vệ danh hiệu trước Jimmy Doyle lần đầu. Robinson muốn rút không đánh vì mơ rằng mình sẽ giết chết Doyle. Mục sư, giáo sĩ đã thuyết phục Robinson chiến đấu. Giấc mơ biến thành sự thật. Ngày 25 tháng 6 năm 1947, trong hiệp 8, Robinson hạ nốc ao khiến Doyle bất tỉnh và tử vong ngay đêm đó. Robinson nói "rất cố gắng" trước cái chết của Doyle.[36]

Sau sự cố, Robinson bị đeo dọa cáo buộc hình sự ở Cleveland, gồm cả tội giết người, nhưng chuyện này không hề diễn ra. Biết được Doyle có ý định mua nhà cho mẹ, Robinson đã đưa cho mẹ Doyle số tiền từ 4 trận kế tiếp làm thành ý nguyện con trai mình.[37]

Vô địch hạng trung

Trong tự truyện, Robinson viết quyết định chuyển lên hạng trung do những khó khăn gia tăng khi vượt ngưỡng 147 lb (67 kg) của hạng bán trung.[38] Tuy nhiên, việc nâng hạng cân chứng minh có lợi về mặt tiền bạc, vì hạng trung khi ấy tập trung một số tên tuổi lớn nhất trong làng quyền Anh. Năm 1950, Robinson đánh bại Robert Villemain giành đai hạng trung Pennsylvania. Cuối năm đó, Robinson bảo vệ thành công trước José Basora, vốn hòa trận gặp nhau trước. Trận hạ Basora diễn ra chỉ trong 50 giây hiệp 1 đã lập thành kỷ lục suốt 38 năm sau đó.[39] Tháng 10 năm 1950, Robinson hạ đo ván nhà vô địch hạng trung tương lai là Bobo Olson.[40]

Ngày 14 tháng 2 năm 1951, Robinson và LaMotta gặp nhau lần thứ sáu. Trận đấu về sau được gọi là The St. Valetine's Day Massacre (Cuộc thảm sát ngày lễ thánh Valentine). Robinson đã giành được danh hiệu vô địch thế giới hạng trung một cách thuyết phục bằng đo ván kỹ thuật ở hiệp 13. Robinson trên cơ trong 10 hiệp đầu rồi tung ra một loạt liên hoàn khủng khiếp vào LaMotta trong ba hiệp cuối,[14] lần đầu đánh bại nhà vô địch trong chuỗi sáu trận huyền thoại giữa hai người — và khiến LaMotta lần đầu chính thức thua nốc ao trong 95 trận chuyên nghiệp của mình.[lower-alpha 3] Trận đấu này cũng là một trong sáu lần đối đầu Robinson-LaMotta được khắc họa trong bộ phim Raging Bull của Martin Scorsese. LaMotta về sau phát biểu "Tôi đấu với Sugar Ray khá thường xuyên, đến mức gần như mắc tiểu đường."[lower-alpha 4][15] Robinson thắng năm trong sáu trận đấu với LaMotta.[39]

Sau khi giành danh hiệu vô địch thế giới thứ hai, Robinson bắt đầu du đấu khắp châu Âu. Robinson di chuyển bằng chiếc Cadillac màu hồng hạc, chiếc xe gây khá nhiều chấn động ở Paris.[41] Đi theo tháp tùng là đoàn 13 người, nhưng một số người "chỉ cho vui".[42] Robinson trở thành người hùng ở Pháp sau trận thắng LaMotta mới diễn ra trước đó, vì người Pháp vốn ghét LaMotta đã đánh bại và đoạt đai vô địch của Marcel Cerdan năm 1949 (Cerdan tử nạn máy bay trên đường tái đấu với LaMotta).[14] Robinson được tiếp kiến tổng thống Pháp Vincent Auriol trong buổi lễ có sự hiện diện của giới thượng lưu Pháp.[43] Tại Berlin, Robinson bị truất quyền thi đấu trong trận khi đấm Gerhard Hecht vào vùng thận, cú đấm này được phép ở Mỹ những châu Âu thì cấm. Trận này về sau được công bố không phải là trận thi đấu. Tại Luân Đôn, Robinson để mất đai hạng trung thế giới vào tay võ sĩ người Anh Randolph Turpin trong một trận đấu kịch tính.[44] Ba tháng sau, trận tái đấu diễn ra trước 60.000 người hâm mộ tại Polo Grounds, Robinson hạ gục Turpin trong mười hiệp để giành lại danh hiệu.[45] Robinson khi ấy dẫn điểm nhưng Turpin cũng vùng lại được. Trong thế trận giằng co, Robinson lấn lướt, hạ gục Turbin, ép vào dây đài rồi tung ra loạt đấm khiến trọng tài phải dừng trận đấu.[46] Sau chiến thắng của Robinson, cư dân Harlem đổ ra đường nhảy múa ăn mừng.[47] Năm 1951, Robinson được The Ring vinh danh "Võ sĩ của năm" lần thứ hai.[48]

Năm 1952, Robinson thắng trận tái đấu với Olson bằng phán quyết. Tiếp theo, Robinson đánh bại cựu vô địch Rocky Graziano bằng nốc ao ở hiệp 3, rồi thách đấu nhà vô địch hạng nặng thế giới Joey Maxim. Trên sân vận động Yankee với Maxim, Robinson đang dẫn trên cả ba phiếu điểm của ban trọng tài, nhưng nhiệt độ 103 °F (39 °C) đã lấy đi tất cả.[49] Trọng tài Ruby Goldstein là nạn nhân đầu tiên của sức nóng và phải ra sân để trọng tài Ray Miller vào thay. Việc Robinson di chuyển nhanh trong bầu không khí nóng bức làm mất sức và đổ gục cuối hiệp 13, và không thể hồi tỉnh khi hiệp mới bắt đầu rung chuông, chịu cú nốc ao duy nhất trong sự nghiệp.[15]

Ngày 25 tháng 6 năm 1952, sau trận đấu với Maxim, Robinson từ bỏ danh hiệu và giải nghệ với thành tích 131–3–1–1. Robinson bắt đầu sự nghiệp kinh doanh show trình diễn, ca hát và vũ công tap.[50] Sau khoảng ba năm, công việc sa sút và trình diễn không thành công khiến Robinson quyết định quay lại với quyền Anh khi tập luyện trở lại năm 1954.[51]

Trở lại

Năm 1955, Robinson trở lại sàn đấu. Dù không thi đấu trong hai năm rưỡi, nghề vũ công giúp cho thể lực Robinson vẫn ở trạng thái đỉnh cao. Trong tự truyện, Robinson viết rằng trong những tuần trước khi ra mắt vũ đạo ở Pháp, ông chạy 5 dặm mỗi sáng, rồi nhảy múa năm tiếng mỗi đêm. Robinson thậm chí còn tuyên bố rằng nỗ lực tập luyện thành vũ công còn khó hơn cả sự nghiệp quyền Anh của mình.[52] Năm 1955, Robinson thắng 5 trận trước khi thua bằng phán quyết trước Ralph 'Tiger' Jones. Robinson lấy lại khí thế và chiến thắng không đồng thuận (split decision) trước Rocky Castellani, rồi thách đấu Bobo Olson đang giữ đai hạng trung thế giới. Trận thắng Olson thứ ba bằng nốc ao ở hiệp 2 giúp Robinson giành đai hạng trung thế giới lần thứ ba. Sau màn trình diễn trở lại năm 1955, Robinson kỳ vọng được vinh danh Võ sĩ của năm. Nhưng danh hiệu đã thuộc về Carmen Basilio hạng bán trung. Những huấn luyện viên của Basilio đã vận động hành lang rất nhiều vì Basilion chưa bao giờ giành được giải thưởng, còn Robinson về sau mô tả đây là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp chuyên nghiệp của mình. Tự truyện viết: "Tôi vẫn chưa quên cho đến ngày nay và sẽ không bao giờ quên."[53] Robinson và Olson gặp nhau lần cuối năm 1956, và Robinson khép lại loạt bốn trận bằng cú đo ván ở hiệp 4.[54]

Năm 1957, Robinson mất danh hiệu vào tay Gene Fullmer. Bằng phong cách xông xáo tiến lên, Fullmer đã kiểm soát được và đấm ngã Robinson.[55] Song Robinson kịp nhận ra rằng Fullmer rất dễ bị móc trái. Fullmer bước vào trận tái đấu tháng 5 với tỷ lệ cược 3–1. Trong hai hiệp đầu, Robinson bám sát Fullmer quanh võ đài, nhưng thay đổi chiến thuật ở hiệp 3, buộc Fullmer đến gần mình. Bắt đầu hiệp 4, Robinson lao đến tấn công khiến Fullmer choáng váng. Khi Fullmer hồi lại đấm đáp trả, Robinson cũng ăn miếng trả miếng trái ngược với việc tựa thủ như trận trước. Bốn hiệp đấu diễn ra sòng phẳng. Hiệp 5, Robinson lần thứ tư giành lại danh hiệu bằng một cú móc trái cực mạnh nhanh như chớp hạ đo ván Fullmer.[56] Các nhà phê bình quyền Anh gọi cú móc trái nốc ao Fullmer này là "cú đấm hoàn hảo".[57][58] Nó cũng đánh dấu lần đầu tiên trong sự nghiệp 44 trận, Fullmer bị hạ nốc ao. Sau trận đấu, khi được hỏi cú móc trái đã tung ra được bao xa, Robinson trả lời: "Tôi không nói được. Nhưng anh ta đã nhận được câu trả lời."[56]

Cuối năm đó, Robinson để mất danh hiệu vào tay Basilio trong trận đấu 15 hiệp trước 38.000 khán giả tại sân vận động Yankee,[59] nhưng giành lại được lần thứ năm trong trận tái đấu. Robinson phải ra sức để tăng cân và nhịn ăn gần 20 tiếng trước trận đấu sức. Ngay từ sớm, Robinson đã làm mắt Basilio chấn thương nặng, đến hiệp 7 thì sưng húp. Hai giám khảo nghiêng về Robinson tỷ số cách biệt 72–64 và 71–64, riêng trọng tài lại cho Basilio hơn điểm 69–64 và bị 19.000 khán giả la ó ầm ĩ.[60] Cả hai trận này đều được tạp chí The Ring bầu chọn là "Trận đấu của năm" 1957 và 1958.[61]

Giã từ quyền Anh

Robinson, Madison Square Garden, 1966

Robinson hạ gục Bob Young ở hiệp 2 tại Boston trong trận đấu duy nhất của mình năm 1959. Một năm sau, ông đấu bảo vệ danh hiệu trước Paul Pender. Robinson bước vào trận đấu với tỷ lệ cược 5–1 nhưng rồi thua do phán quyết không đồng thuận trước 10.608 khán giả tại Boston Garden. Ngày trước trận đấu, Pender nói rằng sẽ bắt đầu chậm rãi, trước khi dồn vào đoạn sau. Pender thực hiện điều này và cầm giữ được lâu hơn một Robinson có tuổi. Robinson dù cũng làm được vết rách phía trên mắt Pender trong hiệp 8 nhưng phần lớn không hiệu quả các hiệp sau đó.[62] Nỗ lực giành lại vương miện lần thứ sáu chưa từng có trước đó được Robinson đưa ra. Bất chấp những cố gắng đó, Pender vẫn giành chiến thắng bằng phán quyết trọng tài trong trận tái đấu. Ngày 3 tháng 12 năm 1960, Robinson và Fullmer hòa nhau sau 15 hiệp nên Fullmer vẫn giữ đai hạng trung WBA. Năm 1961, Robinson và Fullmer gặp nhau lần thứ tư, và Fullmer tiếp tục giữ đai bằng phán quyết đồng thuận của trọng tài. Đây là trận tranh đai cuối cùng của Robinson.[63]

Quãng thời gian còn lại của thập niên 1960, Robinson thi đấu những trận 10 hiệp. Tháng 10 năm 1961, Robinson đánh bại nhà vô địch thế giới về sau Denny Moyer bằng phán quyết đồng thuận. Với tỷ lệ trội hơn 12–5, Robinson 41 tuổi đánh bại Moyer 22 tuổi bằng cách giữ khoảng cách thay vì áp sát.[64] Trong trận tái đấu bốn tháng sau, Moyer thắng điểm khi di chuyển nhập nội và khiến Robinson phải chống trả suốt trận. Moyer thắng 7–3 trên cả ba phiếu ghi điểm.[65] Năm 1962, Robinson thua thêm hai trận, rồi thắng sáu trận liên tiếp trước phần lớn đối thủ dưới cơ. Tháng 2 năm 1963, Robinson thua bằng phán quyết đồng thuận trước cựu vô địch thế giới và có tên trên Đại sảnh Danh vọng Joey Giardello. Giardello khiến đối thủ nằm sàn ở hiệp 4 và trọng tài đếm đến 9 thì Robinson 43 tuổi mới đứng dậy được. Robinson cũng suýt ngã sàn ở hiệp 6 nhưng được chuông hết hiệp cứu nguy. Phục hồi trong hiệp 7, 8 nhưng Robinson lại khó khăn trong hai hiệp cuối.[66] Sau trận đấu, Robinson khởi sự chuyến du đấu 18 tháng ở châu Âu.

Tháng 9 năm 1965, Robinson đấu trận không giành hạng thứ hai tại Norfolk, Virginia với đối thủ hóa ra là mạo danh. Tay đấm Neil Morrison khi ấy là kẻ cướp bị án đang đào tẩu đã đăng ký thi đấu bằng tên của võ sĩ câu lạc bộ có năng lực là Bill Henderson. Trận đấu diễn ra một chiều khi Morrison nằm sàn hai lần ở hiệp 1 và một lần ở hiệp 2, trọng tài khinh bỉ nói "Henderson không muốn đấu gì cả" rồi ra khỏi sàn đấu. Robinson thắng nốc ao kỹ thuật TKO ở phút 1:20 hiệp 2 sau khi Morrison "sợ hãi rõ rệt" tự nằm xuống. Tháng 11 năm 1965, Robinson đánh trận cuối và thua do phán quyết đồng thuận trước Joey Archer. Cây bút thể thao nổi tiếng Pete Hamill viết rằng một trong những trải nghiệm buồn nhất trong đời là chứng kiến Robinson thua Archer, Robinson thậm chí còn ngã sàn khi mà Archer còn không phải tung cú nốc ao; Archer sau đó thừa nhận rằng đây mới chỉ là lần thứ hai đấm ngã đối thủ trong sự nghiệp. Đám đông 9.023 khán giả tại sân CivicPittsburgh đã dành cho Robinson nhiều lời hoan nghênh nhiệt liệt, ngay cả khi bị Archer hoàn toàn vượt trội hơn.[67]

Ngày 11 tháng 11 năm 1965, Robinson tuyên bố từ giã quyền Anh, phát biểu: "Tôi ghét phải vận động quá lâu để tìm kiếm một cơ hội khác."[68] Thành tích giải nghệ của Robinson là 173–19–6 (2 trận không giành hạng) với 109 lần hạ nốc ao trên tổng 200 trận chuyên nghiệp, đứng trong số những người dẫn đầu mọi thời đại về hạ nốc ao đối thủ.[69]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sugar Ray Robinson http://www.africanringmagazine.com/Aug-Sept-2011/u... http://www.cmgww.com/sports/robinson/about/bio.htm... http://www.espn.com/sports/boxing/greatest/feature... http://sports.espn.go.com/sports/boxing/greatest/f... http://static.espn.go.com/boxing/news/1999/1208/22... http://www.highbeam.com/doc/1P1-19527519.html http://www.hofmag.com/content/view/335/30/ http://www.ibhof.com/pages/about/inductees/modern/... http://www.ibhof.com/pages/about/inductees/modern/... http://www.mastermason.com/wilmettepark/wellknownm...